Lịch sử Tĩnh_Hải_quân

Thời thuộc Đường

Sau loạn An Sử, nhà Đường tuy diệt được Đại Yên nhưng trên thực tế không còn mạnh như trước. Các phiên trấn phía đông không tuân phục chính quyền trung ương, các vùng xa như An Nam đô hộ phủ thường xuyên bị nước Nam Chiếu (vùng Vân Nam) uy hiếp.

Năm 863, Nam Chiếu chiếm được An Nam đô hộ phủ, tướng Sái Tập nhà Đường tử trận. Cao Biền được điều sang phải mất 3 năm mới hoàn toàn đánh dẹp được Nam Chiếu. Để khôi phục và củng cố quyền hành tại An Nam đô hộ phủ, Đường Ý Tông thăng An Nam đô hộ phủ làm Tĩnh Hải quân, cho Cao Biền làm Tiết độ sứ[3].

Sau Cao Biền, các Tiết độ sứ kế tục là Cao Tầm, Tăng Cổn, Tạ Triệu, An Hữu Quyền, Chu Toàn Dục và Độc Cô Tổn.

Thời tự chủ

Cuối thế kỷ 9, thời vua Đường Hy Tông nổ ra khởi nghĩa Hoàng Sào. Khởi nghĩa bị tiêu diệt nhưng các quân phiệt cũng nhân đó gây nội chiến và cát cứ công khai. Nhà Đường bị quyền thần Chu Ôn khống chế.

Năm 905, Chu Ôn ghét Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân Độc Cô Tổn là người không cùng cánh, bèn đày ra đảo Hải Nam và giết chết. Trong lúc nhà Đường chưa kịp cử quan cai trị mới sang trấn nhậm, một hào trưởng người Việt là Khúc Thừa Dụ đã chiếm lấy thủ phủ Đại La[4], tự xưng là Tiết độ sứ. Chu Ôn đang mưu cướp ngôi nhà Đường, đã nhân danh vua Đường thừa nhận Khúc Thừa Dụ. Từ đó người Việt bắt đầu khôi phục quyền tự chủ.

Sau Khúc Thừa Dụ, con là Khúc Hạo thực hiện cải cách hành chính, củng cố quyền hành ở Tĩnh Hải quân. Cả thảy toàn bộ Tĩnh Hải quân được chia thành 314 giáp.

Nhà Hậu Lương, trước đây vì mới cướp ngôi nhà Đường, phương Bắc nhiều biến cố nên thừa nhận Khúc Hạo làm Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân năm 907. Nhưng qua năm sau, vua Hậu Lương là Chu Ôn lại phong cho Tiết độ phó sứ ở Quảng ChâuLưu Ẩn kiêm chức "Tĩnh Hải quân tiết độ, An Nam đô hộ". Điều đó có nghĩa là người Trung Quốc vẫn muốn chiếm lại Việt Nam[5].

Năm 911, Lưu Ẩn chết, em là Lưu Nghiễm lên thay. Sự cai trị vững vàng của Khúc Hạo khiến họ Lưu ở Quảng Châu không dám nhòm ngó tới phương nam. Năm 917, Lưu Nghiễm tự xưng đế, lập ra nước Nam Hán, cát cứ vùng Ngũ Lĩnh không thần phục nhà Hậu Lương nữa.

Cuối năm 917 Khúc Hạo mất, con là Khúc Thừa Mỹ lên thay. Khúc Thừa Mỹ chủ trương kết thân với nhà Hậu Lương ở trung nguyên. Năm 919, ông sai sứ sang Biện Kinh xin tiết việt của nhà Hậu Lương. Vua Lương là Mạt đế Chu Hữu Trinh, bấy giờ bận đối phó với các nước lớn ở Trung nguyên nên ban Tiết Việt cho Khúc Thừa Mỹ và phong ông làm Tiết độ sứ. Được sự hậu thuẫn của nhà Hậu Lương, Thừa Mỹ chủ quan cho rằng uy thế của nhà Lương rộng lớn ở Trung nguyên có thể kìm chế được Nam Hán nhỏ hơn ở Quảng Châu. Ông công khai gọi nước Nam Hán là "ngụy đình".

Năm 930, vua Nam Hán là Lưu Nghiễm điều quân đánh Tĩnh Hải quân. Khúc Thừa Mỹ không chống nổi, bị bắt mang về Phiên Ngung.

Năm 931, bộ tướng của Khúc Hạo là Dương Đình Nghệ mang quân đánh đuổi tướng Nam Hán là Lý Tiến và diệt viện binh của Trần Bảo, giành lại thành Đại La. Ông tự xưng là Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân.

Năm 937, Dương Đình Nghệ bị nha tướng Kiều Công Tiễn phản bội, giết chết và cướp quyền, tự xưng Tiết độ sứ.

Năm 938, con rể Dương Đình Nghệ là Ngô Quyền từ Ái châu tập hợp lực lượng ra đánh chiếm thành Đại La, giết chết Kiều Công Tiễn. Cuối năm đó Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán sang đánh Tĩnh Hải quân với danh nghĩa giúp Kiều Công Tiễn tại trận Bạch Đằng.

Thời nhà Hậu Tấn (936-947) và nhà Hậu Hán (947-950)Sau năm 945, lãnh thổ nước Mân trước đây bị phân chia giữa Nam Đường, Ngô Việt và Thanh Nguyên quân

Thời Ngô

Ngô Quyền bỏ danh hiệu Tiết độ sứ, xưng là Ngô vương. Năm 944, Ngô Quyền mất. Em vợ Ngô vương là Dương Tam Kha giành ngôi vua, con Ngô vương là Ngô Xương Ngập phải bỏ trốn.

Dương Tam Kha nhận con thứ Ngô Quyền là Ngô Xương Văn làm con nuôi. Năm 950, nhân được sai cầm quân đi dẹp loạn, Ngô Xương Văn mang quân về lật đổ Dương Tam Kha, giành lại ngôi cho họ Ngô. Xương Văn đón anh Xương Ngập về cùng trị nước.

Năm 954, Ngô Xương Ngập chết. Ngô Xương Văn một mình làm vua. Năm 965, trong khi đi đánh quân nổi dậy ở Thái Bình, Ngô Xương Văn bị trúng tên tử trận.

Chấm dứt

Nhà Ngô mất, các tướng lĩnh cũ của nhà Ngô và các hào trưởng địa phương cùng nhau nổi dậy chiếm giữ đất đai cát cứ, sử gọi là thời loạn 12 sứ quân.

Thủ lĩnh cát cứ ở Hoa Lư từ thời Ngô Xương Ngập là Đinh Bộ Lĩnh sau khi liên kết với sứ quân Trần Lãm (một trong 12 sứ quân) đã đánh dẹp các sứ quân còn lại. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh thống nhất cả nước, tự xưng làm hoàng đế, tức là vua Đinh Tiên Hoàng. Tên gọi Tĩnh Hải quân chấm dứt sau 102 năm khi vua Đinh đặt tên nước là Đại Cồ Việt[6][7].